HÀNH TRANG CHO TRẺ VÀO LỚP MỘT

 Mỗi một hành trình của trẻ đều cần có những hành trang thiết yếu đi theo, bước vào lớp 1 cũng được coi là một hành trình lý thú trong cuộc đời của bé. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng cảm thấy tự tin để bước vào những hành trình như thế. Vậy các bậc cha mẹ có thể làm thế nào để giúp con có một hành trang tốt bước vào trường học đúng nghĩa đầu đời?

I. CHUẨN BỊ VỀ MẶT TÂM LÝ CHO TRẺ

*  Cần làm cho con thích đến trường, thích được đi học lớp 1

 Có nhiều phụ huynh quan niệm không cần chuẩn bị cho trẻ tâm lý trước khi vào lớp một, để trẻ phát triển tự nhiên nhưng trên thực tế, chúng ta thấy rõ được sự khác biệt giữa môi trường mầm non và tiểu học: Ở mầm non, hoạt động vui chơi là chủ đạo, còn ở tiểu học việc học tập là chủ đạo và bắt buộc. Vì vậy cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đi học lớp 1 cho trẻ để bé tự tin, không bị bỡ ngỡ trước sự thay đổi này.

 Bố mẹ nên trò chuyện với con về ngôi trường mới trước khi bé nhập học, kể cho con nghe những điều thú vị về cô giáo và bạn bè giúp con có cách nhìn nhận mới hơn về ” thế giới ” con sắp được bước vào và khám phá, trải nghiệm.

 Kể cho con nghe về những điều mới lạ như việc đi học con sẽ gặp nhiều bạn mới, được học các môn học bổ ích : toán, văn, anh, mỹ thuật, âm nhạc, khoa học,…được vào thư viện trường thỏa sức đọc sách, được tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng các cô, các bạn để từ đó kích thích sự hiểu biết, lòng ham thích đi học của con, khiến bé cảm thấy phấn khởi khi đến trường.

 Việc cùng con tạo lập thời khóa biểu, trang trí bàn học, chuẩn bị đồ dùng học tập cũng là cách giúp bé cảm thấy đi học là một sự kiện ” trọng đại ” và có tâm lí hứng khởi hơn.

* Dạy con biết chơi hòa đồng với các bạn

 Khi đi học, trẻ rất muốn được dễ dàng hòa nhập với các bạn do vậy, bố mẹ nên nhắc nhở con hãy luôn lắng nghe, gần gũi ,mở lòng chia sẻ từ đồ chơi, đồ dùng học tập, đồ ăn với các bạn ngay từ khi còn nhỏ để con luôn được sống trong tập thể, không bị tách biệt.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG CƠ BẢN

 Khác với môi trường quen thuộc và được chăm sóc ở mẫu giáo, lên lớp một bé sẽ gặp gỡ bạn bè, thầy cô mới, phải tự lập trong nhiều hoạt động cá nhân. Do đó, bố mẹ cần giúp con thuần thục những kĩ năng đơn giản nhưng cực kì quan trọng như:

+ Kĩ năng tự phục vụ: tự mặc đồng phục, chuẩn bị sách vở, tự đi vệ sinh, cất đồ đúng nơi qui định. Ở tuổi mẫu giáo, bé chưa thể tự mình làm những việc cá nhân như tắm rửa, ăn cơm. Nhưng khi lên tiểu học, các con được rèn luyện sự tự lập, biết giúp đỡ bố mẹ và làm những việc đơn giản như tự ăn cơm, thậm chí nấu một số món ăn đơn giản, quét dọn nhà cửa…

+ Kĩ năng giao tiếp: Trẻ cần học cách giới thiệu bản thân, cách nói lời cảm ơn, xin lỗi cũng như cách bày tỏ ý kiến của mình. Những điều ấy giúp trẻ thêm tự tin và thấy việc học ở trường thú vị hơn. Bố mẹ có thể chơi đóng vai và tạo ra các tình huống ở trường để cả nhà cùng tham gia. Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho trẻ ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là những bạn nhỏ cùng tuổi để con có thể nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với các bạn.

III. LÀM QUEN VỚI NỀ NẾP TRƯỜNG TIỂU HỌC

  Nếu như ở mẫu giáo, các bé được phép đi lại, nhảy múa, đùa nghịch trong lớp thì khi bắt đầu đi học lớp một,các con phải tuân thủ quy tắc ngồi ngay ngắn nghe giảng, đi học đúng giờ giấc, bị kiểm tra bài vở và bị kỷ luật nghiêm khắc nếu không tuân thủ nội quy của nhà trường.

  Vì vậy, trò chuyện cùng con mỗi ngày về những quy định khác biệt với lớp mẫu giáo mà trẻ phải thực hiện khi lên tiểu học là cách mà bố mẹ giúp bé thích nghi với môi trường mới nhanh hơn.

  Đặc biệt, bố mẹ hãy khéo léo lồng ghép vào những câu chuyện kể các nội dung như: giữ trật tự trong lớp, chú ý nghe giảng, giơ tay xin phép thầy cô khi phát biểu hoặc ra ngoài, xếp hàng vào lớp , đứng lên chào cô khi vào giờ học hay tan lớp .

IV.  NHỮNG KĨ NĂNG TIỀN HỌC ĐƯỜNG KHÁC

Các kĩ năng khác cũng rất hữu ích cho bé khi vào lớp một như:

+ Cách làm việc nhóm: Một trong những kỹ năng thiết yếu trong môi trường học tập hiện đại. Trẻ biết làm việc nhóm cũng là khi bé hòa đồng thực sự với bạn bè, khi con hiểu cách kiềm chế cảm xúc, bày tỏ ý kiến, bảo vệ quan điểm cũng như lắng nghe ý kiến của người khác. Điều này không chỉ giúp trẻ có được kiến thức tốt nhất mà còn giúp bé có những người bạn cùng tiến thực sự.

+ Cách ngồi học đúng tư thế: Đây được coi là một trong những kỹ năng quan trọng mà trẻ cần có được khi bước vào môi trường học tập thật sự. Việc ngồi học đúng cách không chỉ giúp cho các bé học tập hiệu quả hơn mà còn bảo vệ thị lực của bé.

+ Cách quan sát: Một đứa bé có khả năng bao quát tốt thường dễ hòa đồng với mọi người hơn những đứa trẻ khác. Hơn nữa, việc rèn luyện cho con có kỹ năng quan sát tốt sẽ giúp con dễ dàng bắt nhịp với việc học ở lớp một. Để làm được điều này, bố mẹ có thể thường xuyên đưa con ra ngoài khám phá thế giới xung quanh, nâng cao khả năng quan sát.

+ Kĩ năng tập trung: Thay vì được ngồi chơi đồ chơi thoải mái như ở mầm non, khi lên lớp một các con sẽ học tiết học kéo dài trong 45 phút, điều này đòi hỏi sự tập trung cao độ của các bé. Việc bố mẹ rèn luyện cho con khả năng tập trung tốt sẽ giúp con thấy bài học ở trường thú vị hơn, con tiếp thu bài dễ hơn mà không thấy mệt mỏi. Việc rèn luyện khả năng tập trung cho trẻ cần thời gian và tính kiên trì vậy nên bố mẹ cần tạo cho con không gian yên tĩnh và một khoảng riêng tư. Bố mẹ có thể cùng con chơi những món đồ chơi thông minh , dành thời gian đọc sách cùng con để tạo thói quen tập trung vào một vấn đề trong thời gian dài.

 Ngoài ra việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ  ngay từ lứa tuổi mầm non cũng là hành trang cần thiết và quan trọng trước khi bé bước vào môi trường tiểu học. Môi trường học tập khác nhau sẽ giúp các bé trưởng thành hơn. Có thể, học mẫu giáo các bé vẫn làm nũng bố mẹ, được bố mẹ cưng chiều, nhưng khi bước vào tiểu học, bé chắc chắn sẽ tự lập hơn rất nhiều ! Bố mẹ hãy kiên trì, không được nôn nóng đốt cháy giai đoạn trong việc chuẩn bị cho con vào lớp 1 nhé !