10 hành lý thiết yếu giúp trẻ tự tin vào lớp 1

Tuy không phải đó là lần đầu tiên trẻ đến trường nhưng cảm giác và cảm xúc của bố mẹ trong ngày con bước vào lớp một có phần mạnh mẽ hơn mọi lần trước đó. Hầu hết các bố mẹ đều có chung những câu hỏi như “trẻ vào lớp 1 cần chuẩn bị những gì?”, “chuẩn bị tâm lý cho trẻ ra sao?”, rồi băn khoăn “trẻ vào lớp 1 học những gì?”,… Sự lo lắng của bố mẹ là hoàn toàn chính đáng bởi lẽ đây là bước chân đầu tiên trên con đường “học tập” của trẻ.  Để khởi đầu hành trình của bé được suôn sẻ, Trung tâm Trí Tuệ Việt xin gợi ý tới bố mẹ 10 hành trang thiết yếu cần chuẩn bị cho bé yêu.

1. Sức khỏe

Có sức khỏe là có tất cả”. Trẻ em vốn hiếu động và hiếu kỳ, vì vậy, dù trong thời điểm nào, vấn đề sức khỏe vẫn nên được bố mẹ đặt lên hàng đầu. Bước vào lớp 1, trẻ sẽ bước vào môi trường học tập thực sự, nghĩa là trẻ sẽ bắt đầu gặp những “áp lực” đầu đời. Trẻ sẽ có những bài toán phải làm, những bài rèn viết, những vận động thể dục trong thời gian dài hơn,…Do vậy, để đảm bảo trẻ có đủ khả năng tiếp thu và hòa đồng tốt, bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ thể lực tốt nhất.

2. Kỹ năng tự phục vụ

Kỹ năng này các bé đã được các cô dạy khi còn học mẫu giáo. Tuy nhiên, khác so với trường mầm non, nếu bé chưa làm tốt, bé sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía giáo viên (giúp đỡ hoặc nhắc nhở); vào lớp 1, trẻ sẽ phải tự mình làm hết mọi việc: rửa tay trước khi ăn cơm trưa, sau khi đi vệ sinh, đắp chăn khi ngủ, ăn cơm, thậm chí là một số hoạt động trong học tập. Khi ở nhà, trẻ cũng cần thành thạo những kỹ năng cá nhân như đánh răng, rửa mặt, chuẩn bị cặp sách, quần áo trước khi đến trường… Để bé tự tin và vui vẻ khi ở trường, bố mẹ nên tập trung rèn luyện thêm những thói quen cá nhân cho trẻ

3. Kỹ năng tự bảo vệ bản thân

Trẻ luôn tò mò và thích khám phá thế giới theo cách riêng của chúng. Môi trường mới càng khơi gợi trí tò mò đối với trẻ. Hơn nữa, do thể chất đã phát triển hơn nên trẻ thường tham gia vào các hoạt động chạy nhảy tích cực hơn. Cha mẹ cần dạy cho trẻ những quy tắc an toàn cơ bản: an toàn khi sử dụng điện- tránh xa các ổ điện, tránh va chạm với mép bàn, sử dụng đồ dùng học tập có đầu nhọn, lưỡi sắc thận trọng và cần có sự giám sát của giáo viên. Những điều này sẽ giúp các bé tránh được những thương tích không mong muốn.

4. Nề nếp sinh hoạt ổn định

Vào lớp 1, bé cần có một nhịp sinh hoạt ổn định và cố định. Nếu như ở mẫu giáo, trẻ đi học muộn có thể được chấp nhận thì khi vào lớp 1, điều này sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt đốt với trẻ. Việc trẻ thức khuya- dậy muộn sẽ khiến trẻ không đủ sức khỏe, sự tỉnh táo tập trung khi học tập. Bố mẹ nên lưu ý thêm vấn đề này nhé.

5. Nền tảng kiến thức theo độ tuổi

Bố mẹ không cần cho bé học viết, học đọc trước khi vào lớp 1. Thay vào đó, cha mẹ hãy cho trẻ vui chơi, khuyến khích bé tìm tòi, khám phá thế giới theo đúng độ tuổi, sở thích của mình. Điều này cũng sẽ giúp bé có thêm nhiều kiến thức xã hội khi bước vào môi trường mới.

6. “Đồng minh mới”

Sẽ không còn gì tuyệt vời hơn nếu như bé được học chung với những bạn học từ mẫu giáo. Tuy nhiên, nếu bé không thể học cùng bạn cũ, mẹ hãy nhanh chóng tìm cho bé những “đồng minh” ở trong lớp học của bé – có thể trong buổi khai giảng, có thể trong buổi tham quan trước khi nhập học,…Điều này sẽ giúp bé cảm thấy vững tâm hơn khi đến trường.

7. Tâm thế

Trong bất cứ một hành trình nào, tâm thế là điều vô cùng quan trọng. Tâm thế tốt là do tâm lý tốt. Để có một tâm lý tốt, bố mẹ nên cho con đến làm quen với trường học trước khi vào năm học mới; kể chuyện cho bé nghe về những thứ có ở trường, những kiến thức sẽ được học, lịch trình diễn ra trong một ngày khi bé đi học,…Từ đó giúp bé tự tin, chủ động và thích đi học hơn.

8. Đồ dùng học tập

Bố mẹ nên chuẩn bị cho bé một cách đầy đủ nhất có thể, bao gồm: phòng học yên tĩnh, bàn ghế, đèn học, giá sách, cặp sách, sách vở, đồ dùng học tập phụ khác,… Để tăng thêm hào hứng, bố mẹ nên dẫn bé đi chọn những đồ dùng học tập cá nhân. (Hướng dẫn bố mẹ cách lựa chọn đồ dùng học tập)

9. Bộ “Quy tắc ứng xử” của bố mẹ và trẻ

Đây thực chất là cách cha mẹ sử dụng sự khen ngợi/khuyến khích/thưởng/góp ý/”chê” con một cách khoa học và giàu tình yêu thương. Sự khen ngợi và khích lệ sẽ là động lực giúp trẻ tích cực hơn nữa; việc góp ý nhẹ nhàng và “chê” một cách tinh tế sẽ giúp trẻ nỗ lực nhiều hơn. Bố mẹ có thể làm một cây phát triển cho trẻ để trẻ theo dõi sự tiến bộ của mình mỗi ngày đồng thời nên có những bảng hoa tích điểm làm phần thưởng khuyến khích trẻ.

10. Sự tự tin- hòa đồng

Bố mẹ có thể bồi dưỡng sự tự tin cho con bằng cách cho con tham gia vào những chương trình tập thể ở trường; các nhóm bạn cùng lứa tuổi. Sự tự tin và hòa đồng sẽ giúp bé được các thầy cô và bạn bè yêu mến hơn.

Lớp 1 là cái nền và cấp 1 là móng nhà”! Hy vọng với những gợi ý trên, quý phụ huynh sẽ có sự chuẩn bị hành trang tốt nhất cho con yêu vào lớp 1.